Tên hóa đơn đối với từng loại hóa đơn được quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nội dung của hóa đơn như sau:
Nội dung của hóa đơn
1. Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn. Cụ thể như sau:
a) Tên hóa đơn là tên của từng loại hóa đơn quy định tại Điều 8 Nghị định này được thể hiện trên mỗi hóa đơn, như: HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG, HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG KIÊM TỜ KHAI HOÀN THUẾ, HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG KIÊM PHIẾU THU, HÓA ĐƠN BÁN HÀNG, HÓA ĐƠN BÁN TÀI SẢN CÔNG, TEM, VÉ, THẺ, HÓA ĐƠN BÁN HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA.
b) Ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Như vậy, tên hóa đơn đối với từng loại hóa đơn theo quy định tại Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP về loại hóa đơn, cụ thể:
- Hóa đơn giá trị gia tăng là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
+ Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa.
+ Hoạt động vận tải quốc tế.
+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.
+ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
- Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như sau:
+ Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
- Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa.
++ Hoạt động vận tải quốc tế.
++ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.
++ Xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
+ Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
- Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các tài sản sau:
+ Tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả nhà ở thuộc sở hữu nhà nước).
+ Tài sản kết cấu hạ tầng.
+ Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước.
+ Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
+ Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền.
+ Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.
- Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia được sử dụng khi các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan dự trữ nhà nước bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.
- Các loại hóa đơn khác, gồm:
+ Tem, vé, thẻ có hình thức và nội dung quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
+ Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này có hình thức và nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.
Ngoài ra còn được thể hiện tên trên mỗi hóa đơn: HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG, HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG KIÊM TỜ KHAI HOÀN THUẾ, HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG KIÊM PHIẾU THU, HÓA ĐƠN BÁN HÀNG, HÓA ĐƠN BÁN TÀI SẢN CÔNG, TEM, VÉ, THẺ, HÓA ĐƠN BÁN HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA.
Cách tra cứu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế được thực hiện như thế nào? (Hình từ Internet)
Số tự nhiên dùng để ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử là bao nhiêu?
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 78/2021/TT-BTC quy định về số tự nhiên dùng để ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử, bao gồm:
Ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử là ký tự có một chữ số tự nhiên là các số tự nhiên 1, 2, 3, 4, 5, 6 để phản ánh loại hóa đơn điện tử như sau:
+ Số 1: Phản ánh loại hóa đơn điện tử giá trị gia tăng.
+ Số 2: Phản ánh loại hóa đơn điện tử bán hàng.
+ Số 3: Phản ánh loại hóa đơn điện tử bán tài sản công.
+ Số 4: Phản ánh loại hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia.
+ Số 5: Phản ánh các loại hóa đơn điện tử khác là tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử hoặc các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung của hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
+ Số 6: Phản ánh các chứng từ điện tử được sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.
Cách tra cứu hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế được thực hiện như thế nào?
Việc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoàn toàn có thể tra cứu được đầu vào tại hệ thống hóa đơn điện tử để không khai sót hóa đơn, hạn chế phải giải trình với cơ quan thuế về chênh lệch hóa đơn đầu vào với bảng kê tổng hợp của cơ quan thuế. Cụ thể:
Bước 1: Truy cập vào trang web https://hoadondientu.gdt.gov.vn/
Bước 2: Đăng nhập bằng thông tin tài khoản đã được cơ quan thuế cấp.
Bước 3: Chọn ô “Tra cứu” rồi click vào “Tra cứu hoá đơn”.
Bước 4: Click chọn ô “tra cứu hóa đơn điện tử mua vào”, click vào “kết quả kiểm tra”, chọn “Tổng cục thuế đã nhận không mã”.
Lưu ý: Thời gian tra cứu tối đa chỉ được 31 ngày.
Trân trọng!
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ TƯ VẤN KẾ TOÁN TÂM LỘC PHÁT
Địa chỉ: 23/5/2 TA16, Phường Thới An, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hotline: 0917.51.82.86 hoặc 0908.36.91.55
Email: huong.tamlocphat@gmail.com
Website: https://ketoantrongoihcm.com/