1. Quy định mới về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu từ 15/8/2023
Theo khoản 7 Điều 2 Nghị định 56/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15/8/2023), cơ quan, tổ chức bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động, kết thúc nhiệm vụ hoặc bị thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, giấy đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc con dấu bị mất được tìm thấy sau khi đã bị hủy giá trị sử dụng con dấu quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 18 Nghị định 99/2016/NĐ-CP phải nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu cho cơ quan đã cấp kèm theo văn bản nêu rõ lý do và người được cử liên hệ để thực hiện.
Điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp trong sử dụng con dấu từ 15/8/2023
2. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu từ 15/8/2023
Ngoài trách nhiệm nêu tại khoản 1 nêu trên, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu còn có các trách nhiệm theo khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 24 Nghị định 99/2016/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
- Chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định 99/2016/NĐ-CP có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu và ban hành quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.
- Đăng ký mẫu con dấu và thông báo mẫu con dấu cho cơ quan, tổ chức có liên quan biết trước khi sử dụng.
- Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn của cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
- Giao nộp con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu thuộc các trường hợp bị thu hồi theo quy định của pháp luật.
- Con dấu phải được quản lý chặt chẽ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức; chỉ chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức mới được quyết định việc mang con dấu ra ngoài trụ sở để sử dụng giải quyết công việc.
- Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật.
- Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước bị mất con dấu, trong thời hạn 02 ngày kể từ khi phát hiện mất con dấu thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.
- Con dấu đang sử dụng bị biến dạng, mòn, hỏng hoặc có thay đổi tổ chức, đổi tên thì phải thực hiện thủ tục đăng ký lại mẫu con dấu, nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
- Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu. Trường hợp bị hỏng phải thực hiện thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.
- Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước khi cần phải giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng để phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu lịch sử phải có văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Việc in mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để phục vụ công tác phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đó.
3. Mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự
Đồng thời, tại Nghị định 56/2023/NĐ-CP còn ban hành Mẫu số 01 về Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng từ 15/8/2023 để thay cho Mẫu hiện hành.
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ TƯ VẤN KẾ TOÁN TÂM LỘC PHÁT
Địa chỉ: 23/5/2 TA16, Phường Thới An, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Hotline: 0917.51.82.86 hoặc 0908.36.91.55
Email: huong.tamlocphat@gmail.com
Website: https://ketoantrongoihcm.com/